Hạn chế ăn mặn trong điều trị bệnh tim
Hạn chế ăn mặn trong điều trị bệnh tim
Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 2 giây lại có 1 người chết vì bệnh tim mạch. Trung bình một năm có 17,5 triệu người chết và dự đoán đến năm 2020 sẽ có 25 triệu người chết vì căn bệnh này. Một trong những nguyên nhân đáng chú ý gây bệnh tim mạch là do thói quen ăn mặn thiếu kiểm soát, cần hạn chế ăn mặn trong điều trị bệnh tim.
Hiểm họa từ bát nước chấm
Thói quen ăn mặn dễ nhận thấy nhất là từ bát nước chấm trong bữa ăn hàng ngày. Chính thói quen dùng nước chấm thường xuyên này đã làm chúng ta ăn mặn hơn bình thường một cách đáng kể bởi hầu hết các loại nước chấm đều chứa hàm lượng muối cao để bảo quản sản phẩm.
Thói quen dùng nước chấm mặn có nguy cơ gây ảnh hưởng đến quá trình trị bệnh tim
Chưa kể, trong bữa ăn chính của người Việt thường bao gồm cơm, một món gia vị (nước chấm) và ba món ăn cơ bản đủ chất và cân bằng âm dương. Trong ba món cơ bản này, muối đã được nêm trong quá trình chế biến. Vì vậy, việc dùng nước chấm kết hợp với các món ăn chính hàng ngày đã làm chúng ta ăn muối nhiều gấp nhiều lần số lượng cho phép và không hề tốt chút nào trong quá trình điều trị bệnh tim.
Thói quen xấu
Việc dùng trái cây chấm muối cũng làm chúng ta vô tình nạp muối vào cơ thể. Với một số người, họ sẽ không ăn trái cây, hoa quả nếu không có gia vị muối tôm khoái khẩu hay chén muối ớt đỏ rực. Thậm chí, một số người còn ăn muối không mà không nhận thức được trong bữa ăn mình đã ăn rất nhiều muối so với quy định. Thói quen ăn mặn còn được thể hiện rõ nét qua những món ăn vặt “giàu muối” không thể bỏ qua như cá loại khô, bánh snack, bánh mặn... Đặc biệt, do tiết kiệm thời gian, thực phẩm chế biến sẵn đang là ưu tiên hàng đầu của nhiều người trong mỗi bữa ăn. Ít ai biết được rằng, loại thực phẩm này là một “mỏ muối” vì muối được dùng trong các thực phẩm này rất nhiều để bảo quản thực phẩm được lâu.
Từ những thói quen trên, thật không có gì ngạc nhiên khi công bố của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, người Việt Nam hiện đang dùng muối nhiều gấp 3 lần so với lượng muối cho phép.
Ăn mặn có hại ra sao?
Ăn mặn là cội nguồn của nhiều căn bệnh gây tỉ lệ tử vong cao, đặc biệt là tim mạch. Khi ăn mặn, cơ thể chúng ta sẽ “nạp vào” một lượng natri lớn. Khi đó hàm lượng natri trong máu sẽ gia tăng và thận phải làm việc “quá công suất” mới lọc máu được. Khi lượng natri trong máu cao, thận không thể phát huy tối đa khả năng làm việc sẽ gia tăng áp lực thẩm thấu trong lòng mạch. Hậu quả là nước sẽ di chuyển bên trong lòng mạch theo áp lực thẩm thấu gây tăng thể tích máu. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp và gánh nặng cho hoạt động tim mạch, gây khó khăn cho việc điều trị bệnh tim.
Theo các nghiên cứu, ăn mặn là tác nhân gây ra 62% các ca tai biến mạch máu não và 49% các ca nhồi máu cơ tim. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến suy tim. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, ăn nhiều muối hơn mức cho phép thì tỷ lệ mắc bệnh huyết áp càng cao. Điều này đồng nghĩa với sự gia tăng nguy cơ những cơn đau tim và đột quỵ, làm chậm quá trình điều trị bệnh tim mạch.
Giảm ăn mặn bằng cách nào?
Chúng ta nên bắt đầu giảm muối trong bữa ăn từng bước một, bằng cách pha loãng nước chấm hoặc chọn nước chấm có công thức giảm muối, nêm thức ăn nhạt hơn thói quen ăn uống bình thường, nên chọn thực phẩm tươi sống để nấu thức ăn thay vì dùng thực phẩm chế biến sẵn để hạn chế dùng muối.
Hạn chế ăn mặn giúp điều trị bệnh tim hiệu quả hơn
Không trữ các món mặn khô, mắm ở trong nhà. Các bà nội trợ, người “cầm cân nẩy mực” trong chuyện ăn uống của cả nhà nên linh động tìm hiểu các công thức nấu ăn lành mạnh ít muối để bảo vệ sức khỏe gia đình nhất là sức khỏe của người đang điều trị bệnh tim trong gia đình , nếu có. Cần tập cho trẻ nhỏ thói quen ăn nhạt ngay từ nhỏ để hạn chế các hiểm họa bệnh tật do ăn mặn gây ra.
(theo Tribenhtim.com)