Cấp cứu gãy xương chi.
Nguyên tắc cấp cứu gãy xương chi chỉ là một trong các bước của nguyên tắc kiểm soát ban đầu các trường hợp chấn thương. Các tổn thương nhìn thấy được vùng đầu mặt và chân tay rất dễ thu hút sự tập trung trong cấp cứu, làm chậm trễ việc cấp cứu các tổn thương đang đe doạ trực tiếp đến tính mạng người bệnh như chấn thương ngực, bụng, cổ, xương chậu...
Vì vậy trong cấp cứu chấn thương luôn phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản đã có. Chúng tôi thường sử dụng nguyên tắc của JATEC trong cấp cứu chấn thương.
• Điều trị những tổn thương đe doạ mạng sống nhất
• Việc chẩn đoán xác định ít quan trọng hơn
• Nhìn nhận vấn đề từ góc độ sinh lý học cơ thể
• Thời gian là yếu tố quan trọng nhất
• Không gây hại thêm cho bệnh nhân.
Nguyên tắc chung trong cấp cứu gãy xương:
1. Tuân thủ các nguyên tắc chung trong cấp cứu bệnh nhân chấn thương theo các bước ưu tiên ABCDE: Khí đạo (Airway), Hô hấp (Breathing), Tuần hoàn (Circulation), Mất chức năng hệ TKTƯ (Dysfuntion of CNS), Bộc lộ cơ thể-Môi trường (Exposure, Environment).
2. Nếu không có đa chấn thương thì ưu tiên cấp cứu gãy xương chi theo nguyên tắc 3B: Hô hấp (Breathing), Chảy máu (Bleeding), Xương (Bone).
Chảy máu (Bleeding):
Chảy máu ra ngoài rất dễ nhận thấy và thường được xử trí ngay. Tuy nhiên trong cấp cứu gãy xương chi nhiều khi không đánh giá đúng tình trạng chảy máu dẫn đến những hành động không cần thiết hoặc quá mức ví dụ như đặt garô cho các vết thương vùng bàn tay...
Chảy máu có 3 loại:
1. Máu đùn từ vết thương lên, không chảy thành dòng, không theo nhịp đập của tim, màu đỏ, đó là máu chảy từ các mao mạch.
2. Máu chảy thành dòng, không theo nhịp đập của tim, dòng máu thẫm màu, đó là máu chảy từ các tĩnh mạch. Hai kiểu chảy máu này chỉ cần băng ép đúng qui cách ngay trên vết thương là có thể cầm máu được.
3. Máu chảy thành dòng, phun trào theo nhịp đập của tim, dòng máu đỏ tươi, đó là máu chảy từ động mạch.
Để cầm máu cần xác định đúng đường đi của động mạch và băng ép ngay trên đường đi động mạch.
Garô chỉ là biện pháp cuối cùng khi các biện pháp khác đã thất bại.
Xương (Bone):
Phân loại và triệu chứng gãy xương:
1. Trong cấp cứu thường phân loại gãy xương kín và gãy xương hở. Gãy xương hở là ổ gãy thông với môi trường bên ngoài, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, để lại nhiều di chứng nếu không được sơ cứu và xử trí tốt.
2. Gãy xương nhỏ thường ít ảnh hưởng đến tình trạng chung của bệnh nhân, gãy xương lớn có thể gây sốc chấn thương. Triệu chứng gãy xương nhỏ cũng ít rõ rệt như triệu chứng gãy xương lớn.
3. Triệu chứng gãy xương rõ:
• Biến dạng trục chi.
• Cử động bất thường.
• Lạo xạo xương.
• Sờ thấy đầu xương gãy chồi ngay dưới da.
• Gãy xương hở: chảy dịch tuỷ xương, lộ xương.
4. Triệu chứng nghi ngờ gãy xương:
• Giảm, mất vận động chi.
• Đau chói khi ấn tại chỗ, giảm đau khi được bất động.
• Sưng nề, bầm tím.
Sau khi đã xác định được chi gãy cần bất động ngay để ngăn ngừa tổn thương thêm phần mềm do đầu xương sắc gây ra, làm giảm đau và ngăn ngừa sốc, giảm nguy cơ gãy hở do đầu xương có thể chọc thủng da.
Vật liệu dùng trong bất động chi gãy:
1. Nẹp:
• Các loại nẹp đã được chuẩn bị sẵn cho cấp cứu: nẹp gỗ các cỡ, nẹp Cramer, nẹp máng Beckel, nẹp hơi, nẹp plastic...
• Nẹp tuỳ ứng: bất kỳ vật liệu gì sẵn có, không gây nguy hiểm thêm cho bệnh nhân.
• Nẹp cơ thể: có thể lấy chi lành, cơ thể bệnh nhân, làm chỗ bất động tạm thời khi không có bất kỳ loại nẹp nào khác.
2. Độn: thường dùng bông không thấm nước. Nếu không có, có thể dùng bông khác, vải, quần áo. Đệm lót độn vào đầu nẹp hoặc nơi ụ xương cọ xát vào nẹp.
3. Băng: dùng để có định nẹp, hay dùng băng cuộn. Nếu không có, có thể dùng các dải dây, dải vải xé từ quần áo...Băng tam giác hoặc các dạng tương tự có thể dùng để bất động chi gãy vào nẹp cơ thể.
4. Đai treo: dùng cho chi trên, treo qua cổ, qua vai nhằm mục đích bất động tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi hơn khi vận chuyển bệnh nhân.
Nguyên tắc bất động chi gãy:
1. Nhận định tìnhnh trạng nạn nhân
2. Xác định ổ gãy
3. Chuẩn bị bú nẹp, phải đảm bảo là nạn nhân đó được nới lỏng quần áo, lấy đồ trang sức
4. Theo dõi tuần hoàn ngoại vi trước khi nẹp
5. Đệm lút nẹp
6. Đặt nẹp:
- Không nắn lại xương, không ấn xương chồi
- Nâng đỡ nhẹ nhàng, không nắm, không băng vào ổ gãy
7. Kiểm tra độ chặt lỏng
8. Đặt băng treo, đai nẹp nếu cần
9. Nâng cao chi thể
10. Theo dõi tuần hoàn sau nẹp
11. Sau nẹp có thể buộc hai chi dưới với nhau, buộc chi trên vào cơ thể cho thuận tiện cho việc vận chuyển bệnh nhân
12. Bất động nẹp trong tư thế gãy ngoại trừ:
• Chi biến dạng nặng nề không thể nẹp, khó khăn cho vận chuyển
• Đầu xương gãy có nguy cơ chọc thủng da
• Rối loạn tuần hoàn
Nếu vậy - Hãy kéo chi theo trục hoặc chỉnh lại trục xoay hay chỉ cần chỉnh lại cho thẳng tương đối để có thể bất động tốt hơn.
Trong trường hợp gãy xương hở cần tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc vô khuẩn trong sơ cứu:
1. Rửa vết thương bằng nước muối sinh lý.
2. Chỉ sát khuẩn xung quanh vết thương, không đổ thuốc sát khuẩn hay kháng sinh vào vết thương.
3. Không thăm dò vết thương, không nắn đẩy đầu xương chồi.
4. Băng vô khuẩn 4 lớp: một lớp gạc tẩm ướt bằng nước muối sinh lý đặt trực tiếp lên vết thương, sau đó là lớp bông thấm nước, tiếp đó là một lớp bông dày không thấm nước, ngoài cùng là 1 lớp băng ép.
5. Bất động trong tư thế gãy.
6. Tiêm phòng SAT, kháng sinh toàn thân, hồi sức.