Cảnh báo đồ ăn chứa hóa chất nguy hiểm: Nem chua làm từ bì thối, chả cá làm từ cá chết và chất phụ gia
Nem chua làm từ bì thối, ép chin bằng hóa chất
Nem chua là món nhậu nổi tiếng xứ Thanh, không chỉ là món khoái khẩu của nam giới mà còn được các chị em hết sức ưa thích. Tuy nhiên, gần đây, người ta phát hiện ra một số cơ sở chế biến nem nhỏ lẻ đã dùng thịt thối, bì lợn bẩn để làm nem, và ép nem chín nhanh bằng hóa chất. Quy trình chế biến nem được tiết lộ khiến người tiêu dùng không khỏi rùng mình.
Tại một cơ sở sản xuất nem ở Thanh Hóa, trong một căn phòng khoảng 45m2 nồng nặc mùi hôi của thịt, bì lợn, rác rưởi, hóa chất, có hàng chục công nhân hì hục làm nem. Tất cả các công nhân này đều dùng tay trần để nhào trộn thịt. Nhiều đống bì lợn đã bốc mùi hôi thối vứt bừa bãi dưới nền gạch bẩn, ẩm ướt.
Riêng bì lợn được sơ chế qua các công đoạn hết sức nhanh chóng. Đầu tiên, công nhân tập trung bóc hết lớp mỡ rồi cho bì lợn vào nồi lớn luộc. Sau khi chín, bì được thả vào các thùng chứa chất tẩy trắng, hoặc ôxy già, ngâm trong một thời gian nhất định rồi vớt ra. Chưa đầy 20 phút, những miếng bì lợn tồn ngả màu thâm xì, bốc mùi đã sạch tinh tươm như mới mà không cần phải tốn nhiều công sức.
Hóa chất dùng để làm trắng bì lợn được xuất xứ từ Trung Quốc và có thể mua ở các chợ với 2 dạng nước hoặc bột. Tại một chiếc máy xay thịt đặt ở gần nồi luộc bì, một người cho thịt và mỡ sực mùi hóa chất trong các thùng xốp vào máy xay. Thịt được ngâm lâu ngày đã chuyển sang màu tái và có mùi chua chua bốc lên. Mùi chua này nhanh chóng bị xử lý bởi các gia vị được trộn lẫn vào để chuẩn bị cho ra lò những gói nem chua "đặc sản".
Bì lợn, một trong những nguyên liệu chế biến nem chua được “bảo quản cẩn thận”.
Thịt và bì lợn sau khi xay được cho vào một cái thùng lớn rồi trộn đều với gia vị được đựng sẵn trong các can, thùng. Sau đó, hàng chục công nhân xúm lại gói thịt và bì thành những miếng nem nhỏ bằng ngón tay cái, chất thành đống trên nền đất đầy rác rưởi. Khi được hỏi về việc ủ cho lên men, chủ cơ sở sản xuất cho biết rằng, trong quá trình gói, thịt đã được ủ chín bởi men chua nên sau khi làm xong là có thể đưa ngay ra thị trường luôn.
Tuy nhiên, theo một công nhân thì loại men này có tác dụng làm chua thịt và “ép” chín thịt, nhưng nếu để lâu thì sẽ làm cho thịt bị hỏng, tạo ra mùi hôi khó chịu và gây nguy hiểm cho người tiêu dùng.
Chả cá làm từ cá chết độn phụ gia
Chả cá là món ăn được khá nhiều người ưa thích, tuy nhiên một số cơ sở, xưởng chế biến nhỏ lẻ ở TP.HCM đang "phù phép" biến những thực phẩm cá chết, để lâu ngày, thêm một số phụ gia sẽ trở thành món chả cá hấp dẫn.
Xưởng chế biến chả cá của một gia đình.
Một người trực tiếp làm chả cá cho biết, chả cá thực tế chủ yếu bao gồm các loại cá chết thiu và da heo, mỡ lợn được cho vào máy xay trộn, thêm gia vị nên nếm.
Loại gia vị đó là một loại bột màu trắng không có tên, được những người làm công gọi là gia vị thần tiên, bởi khi ướp vào cá sẽ làm cá mất mùi ươn thối. Đồng thời khi ăn chả cá nóng, lúc vừa chiên xong sẽ thấy giòn, còn ăn nguội cũng dai và không thấy thịt cá bị bở vỡ.
Một chủ cơ sở chế biến chả cá cho biết, chỉ cần bỏ vài trăm ngàn đồng có thể mua được cả tạ cá chết ươn, nếu chế biến bằng cá “chuẩn” thì người bán sẽ không được mấy đồng lời, nên hầu hết các cơ sở sản xuất đều tìm cho mình những cách riêng để hạ giá thành chả cá mà thu hút được người ăn.
Giò chả dai giòn: tẩy chay hàn the, sử dụng hóa chất khác
Giò chả là một trong những món ăn thường ngày được ưa chuộng trong mâm cơm của người Việt. Trước đây, những người chế biến giò chả thường bỏ hàn the để giò chả được giòn hơn, tuy nhiên, xu hướng người tiêu dùng quyết liệt tẩy chay giò chả sử dụng hàn the vì sợ nguy hại, gần đây một số cơ sở sản xuất giò chả đã chuyển qua sử dụng một loại hoá chất có tên “dai giòn”, được coi là an toàn hơn hàn the.
Chả lụa – thành phần không thể thiếu trong những món khoái khẩu như bún riêu, bánh ướt...
Phụ gia này được bán khá nhiều tại một số quầy chợ và trên mạng. Đó là loại bột màu trắng, không mịn, giá bán lẻ là 20.000 đồng/100g. Người bán cho biết, loại này được sử dụng chủ yếu cho chế biến giò chả, xúc xích, nem… Theo người bán, chỉ nên trộn phụ gia dai giòn với tỷ lệ 3g/kg thịt, nếu cho nhiều sẽ bị đắng.
Trên mạng, phụ gia này được giới thiệu là hỗn hợp của di – tri polyphosphate, giúp tăng khả năng tạo nhũ, tăng độ kết dính, tạo giòn dai, giữ nước, giảm hao hụt trọng lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí. Dựa theo thông tin quảng cáo sản phẩm, có thể thấy hiện nay có khá nhiều loại hoá chất “phục vụ” chế biến giò chả như các phụ gia bảo quản axít sorbic, potassium sorbate, sodium erythorebate, sodium benzoat…, cùng “hương liệu thịt” để miếng chả thơm... mùi thịt.
Sau khi xem qua gói bột hóa chất “dai giòn” không nhãn mác mua tại chợ Kim Biên (quận 5), tiến sĩ Trần Bích Lam, giảng viên bộ môn công nghệ thực phẩm, khoa Kỹ thuật hoá học, đại học Bách khoa TP.HCM cho biết, nhìn bên ngoài thì đây có thể là polyphosphate. Tuy nhiên, nếu cho nhiều bị đắng như lời dặn của người bán thì có thể có thêm chất gì khác, phải kiểm nghiệm mới biết.
Theo tiến sĩ Lam, polyphosphate là phụ gia giúp giữ nước tốt dưới dạng liên kết, được sử dụng trong ngành thuỷ sản đông lạnh nhằm giảm thất thoát khối lượng. Trong chế biến giò chả, xúc xích, polyphosphate giúp tăng khả năng nhũ hóa, tạo gel kết dính, tạo độ giòn dai không giống hàn the (borax, tên hoá học là sodium tetraborate decahydrate hoặc sodium borate decahydrate). Tuy nhiên, các nhà khoa học đều khuyến cáo không nên lạm dụng polyphosphate. Tiến sĩ Bích Lam giải thích, trong cơ thể người, lượng canxi và phospho cần có tỷ lệ cố định. Phospho nhiều sẽ làm giảm khả năng hấp thu canxi, dẫn đến bệnh loãng xương, nhất là đối với người lớn tuổi. Vì vậy, dù polyphosphate không bị cấm sử dụng, nhưng nếu lạm dụng sẽ gây hại cho sức khỏe.
Rau cải, xà lách tươi tốt nhờ “tắm” chục loại thuốc
Theo chân người trồng rau tại nhiều nơi ở Hà Nội mới thấy, rất nhiều loại rau vốn dĩ chỉ thích hợp với mùa đông nhưng ngay tại ngày hè nắng chói chang rau vẫn tươi tốt. Để làm được điều đó người trồng rau đã phải “tắm” cho rau hàng chục loại thuốc như: thuốc trừ sâu, thuốc kích thích, tăng trưởng mà hoàn toàn không tuân thủ những quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Khảo sát tại nhiều vựa rau ở các huyện như: Gia Lâm, Thanh Trì, Từ Liêm… nổi cộm hơn cả là cánh đồng vốn nổi tiếng với hoa là Tây Tựu và Cổ Nhuế. Có mặt tại đây, chúng tôi được chứng kiến những luống rau cải ngọt, cải đắng, xà lách… xanh mơn mởn, thẳng tắp. Đó là những loại rau trước kia chỉ phù hợp và thích nghi với thời tiết mùa đông. Vậy nhưng người trồng rau lại có thể “phù phép” cho rau thích nghi với cái nắng chói chang của những ngày hè.
Xà lách và rau cải trồng trái mùa vẫn tươi tốt do được chăm sóc bởi các loại thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng, kích thích.
Khi được hỏi bí quyết trồng các loại rau trái mùa, một người nông dân vui vẻ: “Để các loại rau trái mùa tươi tốt thì cũng phải có chế độ chăm sóc đặc biệt như việc bón phân, tưới nước và tất nhiên cả phun thuốc diệt cỏ, trừ sâu”.
Cạnh các ruộng rau, vỏ các loại thuốc bảo vệ thực vật có mặt khắp nơi.
Tại một ruộng rau xà lách khác đang thu hoạch, có thể dễ dàng quan sát thấy có khá nhiều vỏ thuốc trừ sâu vứt vương vãi khắp nơi thuộc các nhãn hiệu như: Sha chong Shuang; Marshal; Emaben… tất cả các nhãn mác đều cảnh báo với dòng chữ: cực độc, độ độc cao, độ độc mạnh…
Dù bơm thuốc sâu đã 4 ngày nhưng trên lá rau thuốc vẫn bám trắng xóa, phía đầu ruộng người ta đang tiến hành thu hoạch.
Theo lời một người nông dân thì nhiều gia đình trước khi thu hoạch rau khoảng 3-4 ngày sẽ tiến hành phun thuốc trừ sâu. Theo quan sát, những chiếc lá cải thì cặn thuốc trừ sâu trắng xóa vẫn còn bám trên những lá rau.
Không chỉ các loại rau trái mùa mà các loại rau khác như: Rau muống, mồng tơi, rau ngót, rau dền hay một số loại rau thơm đúng mùa cũng được người dân “tắm” bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật không tuân thủ quy trình.
Khi chúng được hỏi về những luống rau xanh mướt ấy liệu khi đến tay người tiêu dùng có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không thì người trồng đều khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng: phun thuốc vài ngày mưa gió sẽ cuốn hết thuốc đi rồi, hơn nữa khi về người ta cũng rửa mấy lần nên chắc chắn sẽ chẳng ảnh hưởng gì cả?!
Chúng ta vẫn thường an ủi nhau rằng “thời này ăn cái gì cũng độc” và câu nói này khá đúng, nhưng vẫn phải “nhắm mắt cho qua” vì không có nhiều sản phẩm để thay thế. Và như thế những người sản xuất thực phẩm nói chung và cụ thể ở đây là người trồng rau vẫn vô tư và tiếp tục đầu độc hàng triệu người dân Thủ đô.
Mỗi ngày, người Hà Nội tiêu thụ hàng tấn rau xanh nhưng chắc chắn trong số đó lượng rau sạch chỉ nằm ở một con số khiêm tốn. Bằng chứng cho điều này là những con số về lượng rau tồn dư kim loại nặng, chứa vi sinh vật có hại, tồn dư chất bảo vệ thực vật vượt quá mức quy định mà các cơ quan chức năng đã cảnh báo lâu nay.
(theo Gia đình, Sài gòn Tiếp thị, Người tiêu dùng)