Y khoa – Đừng đẩy nhau về hai thái cực
Bác sĩ tại các nước phát triển luôn được ví như một người bạn đồng hành của các cá nhân và gia đình. Trong khi đó, tại Việt Nam, giữa bác sĩ và người bệnh có một khoảng cách quá lớn.
Bi kịch chung của xã hội
Sự rộng lớn của Y khoa chính là điều mà những bác sĩ đã và đang công tác trong ngành Y ngày càng hiểu và thấm thía. Và có một nghịch lý là người càng có kiến thức Y khoa sâu và rộng thì càng thận trọng với các quyết định chẩn đoán và điều trị của mình. Cũng chính bởi sự thận trọng đó mà đôi khi bản thân cácbác sĩ không dám điều trị cho người thân của mình vì sợ mất tính khách quan.
Với việc bán thuốc theo nhu cầu như hiện tại thì hiện tượng “toàn dân trở thành bác sĩ” đã trở nên phổ biến tại Việt Nam, và đôi khi dẫn đến hậu quả đáng tiếc xảy ra. Ví dụ như một "thần dược" được sử dụng rộng rãi đó là corticosteroids, mà các thuốc phổ biến như prednisolone, Medrol, đã bị lạm dụng bởi hiệu quả “tức thì” của chúng trong nhiều bệnh, trong khi người dân không hiểu được hậu quả của việc sử dụng không đúng chỉ định các thuốc trên là rất nghiêm trọng.
Trong khi người dân không được giáo dục ý thức tuân thủ điều trị, việc quản lý bán thuốc theo đơn còn lỏng lẻo, lòng tin vào Y bác sĩ chưa cao, thì ngay cả trình độ chuyên môn của các bác sĩ là không như nhau giữa các tuyến cũng khiến người dân mất lòng tin vào tuyến cơ sở, và thậm chí là cả hệ thống Y tế.
Một vấn đề nhức nhối khác là tình trạng mất Y đức của một số cán bộ Y tế đã bị truyền thông thổi bùng lên không cần thiết, trong khi truyền thông chưa nghĩ tới hậu quả lớn hơn đằng sau việc thổi bùng đó chính là sự cách xa nhau về niềm tin giữa người dân và Y tế, từ đó khoét sâu vào tình trạng: “toàn dân tự chữa bệnh”.
Tất cả những điều trên cùng góp phần đẩy người dân và Y tế cách xa nhau hơn. Và đó không khác gì một “bi kịch chung của xã hội”.
Bác sĩ tại các nước phát triển luôn được ví như một người bạn đồng hành của các cá nhân và gia đình. Trong khi đó, tại Việt Nam, giữa bác sĩ và người bệnh có một khoảng cách quá lớn. Ảnh minh hoạ.
Đừng đẩy nhau ra xa
Bác sĩ tại các nước phát triển luôn được ví như một người bạn đồng hành của các cá nhân và gia đình. Mỗi một người, một nhà chọn cho mình một bác sĩ riêng nằm trong danh sách được cung cấp bởi cơ quan Y tế nhà nước và tỏ ra tin tưởng tuyệt đối vào công việc của người đó. Tất nhiên vị bác sĩ ấy không điều trị được tất cả mọi bệnh, nhưng đó là người tham vấn đáng tin cậy về Y tế cho cá nhân, gia đình. Và mối quan hệ giữa họ nhiều khi là mối quan hệ bạn bè khăng khít.
Trong khi đó, tại Việt Nam, giữa bác sĩ và người bệnh có một khoảng cách quá lớn. Nếu như bác sĩthường giữ cung cách và tỏ ra ở vị trí cao hơn thì người dân sẽ có ít nhất vài lần trong đời không tin vàobác sĩ hoặc phải trải qua rất nhiều bác sĩ rồi mới có thể tìm thấy người tin tưởng được. Sở dĩ gặp tình trạng này là vì những lý do sau đây:
Một là, trình độ chuyên môn chệnh lệch dẫn đến hiệu quả điều trị không tốt của một số bác sĩ, trong khi các bác sĩ khác điều trị tốt hơn. Từ đó dễ dẫn đến mất niềm tin của người bệnh.
Hai là, từ hiện tượng mà dẫn đến ngoại suy cho tất cả. Chỉ vài lần đi khám và điều trị không thành công khiến cho người bệnh nản lòng và dễ tìm đến các lời khuyên “truyền tai” kiểu như: “anh A cũng bị như vậy, dùng cái XYZ sau rồi khỏi đấy, hay là anh cũng dùng thử xem?” Đó nhiều khi là sai lầm chết người.
Ba là, hình tượng người bác sĩ tại Việt Nam tỏ ra quá cao đến mức không cần thiết, trong khi hình tượng một bác sĩ ân cần chu đáo và thấu hiểu lại ít được đề cập.
Bốn là, giáo dục Y khoa tại Việt Nam chưa chú trọng giáo dục giao tiếp với người bệnh, trong khi đây lại là điểm mấu chốt để khai thác bệnh thành công, từ đó đưa đến chẩn đoán và tạo dựng niềm tin điều trị cho người bệnh.
Năm là, trình độ dân trí của chúng ta còn thấp, từ đó không đủ kiên nhẫn để lắng nghe và tuân thủ các hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Nguy hiểm hơn là hành động “tự ý điều trị” do không hiểu biết về những hậu quả không lường của thuốc hoặc các biện pháp điều trị dân gian.
Sáu là, một bộ phận “có tiền” ở Việt Nam có xu hướng “sính ngoại” và do vậy họ không tin tưởng vàobác sĩ người Việt, trong khi Y tế của chúng ta đã và đang có những bước phát triển đột phá.
Lợi ích của mối liên kết chặt chẽ giữa người bệnh và bác sĩ là không nhỏ. Nếu như bác sĩ từ mối liên kết đó có thể đưa ra được chẩn đoán chính xác và đồng thời tạo được sự tin tưởng cho người bệnh để họ tuân thủ điều trị, thì người bệnh cũng được hưởng lợi về mặt tâm lý và chất lượng chuyên môn.
Ngược lại, nếu như người bệnh và bác sĩ cứ ngày càng xa nhau, ắt sẽ dẫn đến tình trạng không tuân thủ điều trị nhiều lần, tự ý điều trị, hoặc lãng phí tiền nong ra nước ngoài, trong khi bác sĩ trở nên vô cảm với chính công việc của mình.
Bởi tất cả những lý do trên, rõ ràng vai trò của truyền thông, của người dân và của ngành Y tế là làm sao để xóa đi khoảng cách giữa người bệnh và bác sĩ, đừng đẩy họ ra xa hai thái cực để rồi những hậu quả đáng tiếc sẽ lại xảy ra trong tương lai.
BS. Quỳnh Anh
(Theo SKĐS)
Hotline : 02203.720.115