TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN KIM THÀNH

Bệnh viện đa khoa Kim Thành

Trang chủHome | Sitemap | Hỏi đáp Tiếng Việt Tiếng Anh

Cấp cứu 24/7

02203.720.115

Đường dây nóng

0912.272.164

  • 20906_10577_130307071514_5l

Sai sót y khoa và “văn hóa buộc tội”

Bất kể nền y học và y tế có tiến bộ đến đâu, tai biến y khoa là điều khó tránh khỏi. Theo một số nghiên cứu, ở các nước phát triển, tỷ lệ tai biến y khoa chiếm khoảng từ 0,4 - 16% số trường hợp nhập viện. Tại Mỹ, mỗi năm có khoảng từ 44.000 - 98.000 trường hợp tử vong do tai biến y khoa có thể phòng ngừa được. Với các nước đang phát triển, tỷ lệ này sẽ còn cao hơn do những thiếu hụt về nhân lực có chất lượng, trang thiết bị thiếu thốn, trình độ quản lý còn hạn chế.

Nếu quý vị đánh từ khóa “tai biến y khoa” trên trang mạng google, ngay lập tức sẽ nhận được 2.650.000 trong vòng 0,28 giây. Nếu thay từ khóa là “sai sót y khoa”, kết quả tìm kiếm là 4.540.000 trong vòng 0,26 giây. Còn nếu ta tìm kiếm bằng từ khóa “kiện bác sĩ” thì chỉ trong vòng 0,26 giây chúng ta sẽ có 41.500.000 kết quả. Con số trên nói lên điều gì?

Trước hết, phải khẳng định bất kể ngành nghề gì cũng đều có rủi ro. Ngành y tế, đặc biệt là khám, chữa bệnh, mỗi ngày trung bình tại Việt Nam chúng ta có khoảng hơn 400.000 lượt khám tại bệnh viện (chưa kể các phòng khám và trạm y tế), khoảng 200.000 người bệnh điều trị nội trú tại các bệnh viện. Với số lượng lớn như vậy, việc tránh không xảy ra tai biến là điều không tưởng. Vì vậy, chúng ta phải nhìn thẳng vào những con số đó để có nhận định khách quan và đưa ra giải pháp phù hợp.

“Nguồn cơn” tai biến y khoa

Thứ nhất, phải khẳng định, bệnh viện là môi trường lý tưởng dễ xảy ra tai biến y khoa

Tình trạng quá tải, người bệnh đông, thầy thuốc phải làm việc trong môi trường căng thẳng và chịu nhiều áp lực, nhiều lúc cần phải ra quyết định nhanh, thậm chí chỉ định miệng để kịp thời cứu chữa người bệnh như trong phẫu thuật hoặc trong cấp cứu người bệnh. Nhiều bệnh viện trong tình trạng thiếu nhân lực, có nhiều thầy thuốc phải làm việc và trực 24/24h, môi trường làm việc gây thiếu tập trung, việc kết nối thông tin giữa người bệnh, bác sĩ, điều dưỡng, nhà quản lý thiếu hoặc không chính xác, trang thiết bị không đồng bộ, cùng một đơn vị hồi sức có quá nhiều loại máy thở, máy truyền dịch hoặc bơm tiêm điện gây khó khăn cho thầy thuốc trong quá trình vận hành, đôi khi vận hành máy này lại nhầm sang thông số của máy kia. Đôi khi, thầy thuốc buộc phải cứu chữa các trường hợp có mức độ an toàn rất hẹp, ví dụ: phẫu thuật viêm ruột thừa cho người bệnh đang điều trị thuốc chống đông máu sau nhồi máu cơ tim.

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi để tai biến điều trị dễ xảy ra, còn nhiều yếu tố khác tùy thuộc vào cơ địa và sức đề kháng của người bệnh, các can thiệp, thuốc điều trị luôn có 2 mặt lợi và hại; năng lực chuyên môn và kỹ năng lâm sàng của nhân viên y tế thường khác nhau.

Do lỗi hệ thống

Khi xảy ra tai biến, người ta thường đặt ngay câu hỏi “ai làm sai” mà không tìm hiểu kỹ “cái gì sai” để tìm hiểu nguyên nhân gốc, trong đó có nhiều lỗi hệ thống.

Lỗi hệ thống bao gồm nhiều khía cạnh:

Thứ nhất là do lãnh đạo bệnh viện chưa quan tâm và chưa đặt vấn đề an toàn người bệnh là ưu tiên hàng đầu trong chương trình cải tiến chất lượng bệnh viện, vì vậy, thiếu việc đầu tư và bố trí kinh phí, nguồn lực cho an toàn người bệnh.

Thứ hai là vẫn còn tồn tại phổ biến tư duy và “văn hóa buộc tội” trong quản lý bệnh viện, xem xét nguyên nhân tai biến chủ yếu tập trung vào quy kết cho cá nhân mà không đánh giá phân tích tổng thể hệ thống.

Thứ ba là thiếu hoạt động đào tạo về an toàn người bệnh cho nhân viên. An toàn người bệnh là một lĩnh vực có tính khoa học, có nguyên lý riêng, vì vậy cần phải đào tạo thích đáng.

Thứ tư là thiếu đầu tư trang thiết bị cho hoạt động an toàn người bệnh. Hiện nay, nhiều thiết bị y tế được nghiên cứu, thiết kế nhằm tăng tính an toàn và có tính tự động hóa ngày càng cao. Vì vậy, đầu tư mua sắm trang thiết bị cũng cần phải tính đến yếu tố này.

Thứ năm là thiếu hoạt động giám sát về an toàn người bệnh. Tăng cường giám sát an toàn sử dụng thuốc, an toàn trong phẫu thuật hay giám sát việc tuân thủ quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn sẽ có tác động lớn đến tăng sự an toàn đối với người bệnh.

Thứ sáu là thiếu các quy trình bảo đảm an toàn người bệnh. Các quy trình trong khám, chữa bệnh, quy trình kỹ thuật, các hướng dẫn chuyên môn đều nhằm vào 2 mục đích chính là an toàn và hiệu quả. Việc thiếu quy trình dẫn đến quá trình thực hành không theo chuẩn mực và như vậy sẽ khó tiên liệu được tính an toàn và hiệu quả của nó.

Do lỗi cá nhân

Bên cạnh những nguyên nhân mang tính chất hệ thống thì vẫn có những lỗi thuộc về chủ quan con người, những lỗi chủ quan này lại liên quan đến lỗi hệ thống và nếu khắc phục được lỗi hệ thống thì sẽ hạn chế được các lỗi cá nhân.

Nhân viên thiếu kiến thức: chưa được đào tạo về an toàn người bệnh, thường là ở những nhân viên mới.

Nhân viên thiếu kỹ năng: đã được huấn luyện cập nhật kiến thức, nhưng chưa đủ kỹ năng thực hành, thường gặp ở nhân viên mới hoặc nhân viên đã làm việc lâu năm nhưng lĩnh vực công tác ít gặp những tình huống tương tự.

Nhân viên thiếu tính kỷ luật: đã được huấn luyện, có kỹ năng thực hành tốt nhưng không tuân thủ những quy trình, quy định về an toàn người bệnh của bệnh viện.

Làm thế nào để hạn chế tai biến, sự cố y khoa?

Phải thay đổi nhận thức và hiểu nguyên lý về tai biến y khoa. Cần phải khẳng định, tai biến có thể xảy ra. Nếu chúng ta có những giải pháp can thiệp thì sẽ giảm thiểu được nhưng khó có thể loại bỏ hoàn toàn được tai biến.

Theo mô hình phomai Thụy Sĩ (Swiss cheese), các mối nguy hại bị chặn lại bởi các hàng rào an toàn, khi lọt qua hàng rào trước thì có hàng rào tiếp theo cản trở và không gây hại cho người bệnh, nhưng nếu nguy hại đó lọt qua tất cả các hàng rào an toàn thì sẽ gây hại cho người bệnh. Lỗ hổng của hàng rào an toàn đó chính là các lỗi tiềm ẩn (near miss). Các giải pháp can thiệp chính là chúng ta thiết lập các hàng rào an toàn, phát hiện và bịt lỗ hổng đó (phát hiện các lỗi tiềm ẩn và loại trừ nó) nhằm ngăn chặn mối nguy hại.

Theo quy tắc Henrich, cứ có 1 tai biến nặng có nghĩa là đã có khoảng 30 tai biến nhẹ và 300 lỗi tiềm ẩn. Vì vậy, càng loại trừ được càng nhiều lỗi tiềm ẩn thì càng giảm được tai biến.

Thành lập Ủy ban quốc gia về chất lượng và an toàn y tế. Tai biến và sự cố y khoa có quy mô rộng, có tính chất dịch tễ với số người mắc và tử vong rất lớn, cần thiết lập một hệ thống để xây dựng và triển khai các giải pháp đồng bộ mới có thể ngăn chặn và loại trừ được. Cần phải có Ủy ban Quốc gia về chất lượng và an toàn y tế - một cơ quan chỉ đạo cấp quốc gia như kinh nghiệm một số nước đã đi tiên phong như Mỹ, Australia, Malaysia... Cơ quan này sẽ đưa ra các mục tiêu, xây dựng và chỉ đạo triển khai các chương trình can thiệp, có báo cáo và đưa ra các khuyến nghị hàng năm.

Thiết lập hệ thống báo cáo sai sót, sự cố tự nguyện ở cấp độ cơ sở KCB và cấp độ quốc gia, trong đó khuyến khích báo cáo các lỗi tiềm ẩn để có giải pháp can thiệp loại trừ các lỗi này. Báo cáo bắt buộc chỉ áp dụng đối với các sự cố nghiêm trọng. Để thực hiện được điều này, cần phải có hành lang pháp lý cụ thể và có cơ chế bảo mật rõ ràng mới có thể khuyến khích được báo cáo sự cố tự nguyện.

Cải thiện môi trường và điều kiện làm việc của nhân viên y tế. Việc giảm bớt tình trạng quá tải, bố trí làm ca ở một số vị trí có cường độ làm việc căng thẳng (ví dụ khoa hồi sức tích cực), bảo đảm quy trình khám bệnh, điều trị, đáp ứng đầy đủ phương tiện, thiết bị làm việc, thiết lập hệ thống nhắc, giảm bớt việc phải vận dụng trí nhớ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng việc sử dụng các phần mềm hỗ trợ thầy thuốc là những giải pháp rất quan trọng góp phần tăng cường an toàn y tế. Quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đào tạo người hành nghề, chú ý đến đào tạo cho nhân viên mới và đào tạo lại, cập nhật kiến thức cho nhân viên. Tăng cường hiệu quả làm việc nhóm và trao đổi thông tin giữa nhân viên y tế với sự tham gia của người bệnh và thân nhân người bệnh.

Xây dựng văn hóa an toàn trong y tế, coi trọng việc phân tích phát hiện và giải quyết lỗi hệ thống. Việc duy trì tiếp cận khi xảy ra sự cố là tìm xem ai làm sai sẽ làm gia tăng nguy cơ giấu lỗi, giấu sự thật và sẽ không thể loại bỏ được lỗi hệ thống vốn chiếm khoảng 70% nguyên nhân của các sự cố y khoa.

Việc chuẩn hóa năng lực người hành nghề, chuẩn hóa cơ sở khám, chữa bệnh thông qua cấp phép, cấp chứng chỉ và chứng nhận chất lượng với đúng ý nghĩa chỉ những người hành nghề đủ năng lực mới được hành nghề, cơ sở đủ điều kiện an toàn mới được cấp phép, chuẩn hóa các quy trình và hướng dẫn chuyên môn là hết sức cần thiết.

Triển khai thực hiện các quy định về bảo hiểm trách nhiệm trong khám, chữa bệnh sẽ giúp giảm bớt thiệt hại và áp lực đối với cơ sở KCB và người hành nghề khi có tai biến, sự cố y khoa xảy ra. Cơ quan bảo hiểm đóng vai trò là cơ quan trung gian để bồi thường những thiệt hại đối với người bệnh khi xảy ra tai biến, sai sót.

 

ThS. Nguyễn Trọng Khoa (Phó Cục trưởng Cục QLKCB, Bộ Y tế)
Theo SKĐS

  • « Quay lại


  • Các tin liên quan khác

    Đăng nhập nội bộ

    Phác đồ điều trị

    THÔNG TIN HỮU ÍCH

    Tuyển dụng nhân sự

    Góc tri ân

    Liên hệ gửi câu hỏi

    Mã xác nhận    Captcha
    Nhập mã xác nhận
     

    Video

    Thư viện ảnh

    Thư viện ảnh

    Liên kết website

    HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

    Hỗ trợ trực tuyến

    Hotline : 02203.720.115

    Tư vấn 1
    Tư vấn 2

    Thống kê truy cập