Lao phổi là gì, những nguyên nhân, triệu chứng của bệnh lao phổi
Lao phổi là thể lao gặp phổ biến nhất ở người lớn, chiếm 80% tổng số bệnh lao và bao gồm tất cả các thể lao phổi ngoại trừ lao sơ nhiễm và lao phổi cấp tính. Đây là nguồn lây truyền phổ biến làm cho bệnh lao phổi tồn tại và phát triển.
Bệnh gây nên chủ yếu do vi khuẩn lao người Mycobacterium Tuberculosis Homminis, có thể do vi khuẩn lao bò (Mycobacterium Bovis) nhưng ít gặp ở nước ta. Vi khuẩn lao là một vi khuẩn hiếu khí, sinh sản chậm, có khả năng kháng thuốc. Vi khuẩn lao có có thể tồn tại lâu (3 -4 tháng) ở môi trường bên ngoài và có nhiều quần thể chuyển hóa khác nhau ở tổn thương (nhóm vi khuẩn phát triển nhanh, ngoài tế bào; nhóm vi khuẩn phát triển chậm, từng đợt; nhóm vi khuẩn nằm trong tế bào và nhóm vi khuẩn ngủ).
Người khoẻ mạnh bị truyền vi khuẩn lao phổi qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp và lâu dài với bệnh nhân lao phổi đặc biệt là lao phổi có vi khuẩn lao trong đàm bằng phương pháp nhuộm soi trực tiếp.
Khoảng 60 -75% bệnh xuất hiện từ từ, tiến triển kéo dài, thường có nhiều triệu chứng phối hợp và tăng dần. Bệnh nhân thường sốt nhẹ, sốt kéo dài 2-3 tuần không dao động, sốt rõ về chiều hoặc tối kèm theo mệt mỏi; chán ăn; sút cân; ra mồ hôi trộm; da xanh xao, nhợt nhạt. Ho và khạc đàm gặp trong 90% bệnh nhân; ho ra máu; đau ngực.
Bệnh khởi phát cấp tính ( khoảng 10-20% các trường hợp). Bệnh xảy ra đột ngột với các triệu chứng lâm sàng rầm rộ, tiến triển nhanh với sốt cao, ho, tức ngực nhiều kèm khó thở, thường gặp trong thể viêm phổi bã đậu hay phế quản phế viêm.
Các triệu chứng của thời kỳ khởi phát nặng dần lên và khởi phát từng đợt, có thời gian giảm sau đó trở lại với mức độ nặng hơn. Bệnh nhân suy kiệt, da xanh xao, niêm mạc nhợt, sốt dai dẵng về chiều tối, mệt mỏi, chán ăn, sút cân… Ho có thể càng ngày càng tăng, có thể ho ra máu, đau ngực liên tục, khó thở tăng ngay cả khi nghỉ ngơi.
Trước đây, khi chưa có các kháng sinh và thuốc điều trị chống lao hiệu quả thì lao phổi vẫn được xếp vào tứ chứng nan y. Nhưng từ năm 1944 khi kháng sinh Streptomycin và một số hóa dược như Pyrazinamid, Ethambutol, Rifampicin ra đời, căn bệnh này không còn quá đáng sợ.
(ST)
Hotline : 02203.720.115