Thực trạng mô hình tổ chức-quản lý y tế của Bệnh viện Huyện tại một số tỉnh phía Nam
Bệnh viện huyện thuộc tuyến y tế cơ sở với nhiệm vụ chủ yếu là khám chữa bệnh, xử trí ban đầu đối với tất cả các vấn đề sức khỏe của người dân trên địa bàn. Theo thông tư liên tịch Bộ Y tế - Bộ Nội vụ số 11/2005-TTLT-BYT-BNV ngày 12 tháng 4 năm 2005 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân quản lý nhà nước về Y tế ở địa phương thì bệnh viện đa khoa huyện là một đơn vị trực thuộc sở y tế, song song với đó là trung tâm y tế dự phòng huyện, các trạm y tế trực thuộc Phòng y tế huyện.
Tiếp theo là thông tư số 03/2008/TTLT-BYT-BNV ngày 25 tháng 04 năm 2008 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế, Phòng Y tế thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, thì bệnh viện huyện có thể là một bộ phận của trung tâm y tế hoặc có thể tách riêng thành một đơn vị trực tiếp thuộc Sở nếu đủ điều kiện thích hợp, các trạm y tế thuộc trung tâm y tế (luôn gọi là trung tâm y tế dù có bao gồm bệnh viện hay không)
Trong một khoảng thời gian ngắn đã có 2 thông tư như trên điều chỉnh vấn đề tổ chức, quản lý y tế tuyến tỉnh và huyện nên các mô hình tổ chức liên tục thay đổi tách ra và sáp nhập cho đúng quy định và phù hợp với đặc điểm tình hình của mỗi địa phương. Tuy nhiên, dù theo mô hình nào thì bệnh viện tuyến huyện cũng đang có những vấn đề bất cập chung để thực hiện chức năng khám chữa bệnh dẫn đến tình trạng người bệnh vượt tuyến làm quá tải tuyến trên như một trong những vấn đề bức xúc xã hội nổi cộm nhất hiện nay.
Thực hiện kế hoạch năm 2011, trong các thời gian từ 5/8 đến 23/8/2011 khoa Quản lý Sức khỏe đã đi thực tế ở 5 tỉnh, kết quả nắm bắt được tình hình thực tế tổ chức – quản lý y tế tại bệnh viện tuyến huyện như sau:
Các tỉnh; Đồng Nai, Long An. Tiền Giang, Bến Tre, Tây Ninh
1. Về tổ chức, tình trạng nhân lực y tế
Tổ chức y tế bệnh viện tuyến huyện hiện theo 1 trong 2 mô hình là kết quả thực hiện lần lượt các thông tư 11 năm 2005 và thông tư 03/2008 của Bộ Y tế:
Mô hình bệnh viện huyện, trung tâm y tế dự phòng huyện, phòng y tế huyện (theo thông tư 11): Các tỉnh Tiền Giang, Đồng Nai
Mô hình trung tâm y tế huyện gồm bệnh viện và đội vệ sinh phòng dịch, phòng y tế huyện (theo thông tư 03): Các tỉnh Bến Tre, Tây Ninh, Long An
Nhận xét:
Theo mô hình thứ nhất, các bệnh viện đặc trách công tác khám chữa bệnh, chú trọng phát triển mạnh mảng này. Tuy nhiên, nhân lực thiếu trầm trọng phần vì không có đối tượng để tuyển mới, phần vì các bác sĩ chuyển đi hoặc bác sĩ nghỉ hưu không có người thay thế.
Theo mô hình thứ hai, trung tâm y tế gồm 2 khu vực chuyên môn chính: bệnh viện có nhiệm vụ khám chữa bệnh và khu vực y tế dự phòng thực hiện các nhiệm vụ phòng bệnh, truyền thông giáo dục sức khỏe, bảo vệ sức khỏe BMTE và kế hoạch hóa gia đình. Theo mô hình này, các trung tâm y tế có lực lượng y, bác sĩ trực thuộc đông (kể cả các trạm y tế) và có thể chủ động điều nhân sự tăng cường khám chữa bệnh khi cần thiết.
Tuy nhiên với cả 2 mô hình vẫn có tình trạng không tuyển đủ bác sĩ về làm việc do sức thu hút về tuyến huyện kém xét về nhiều khía cạnh. Đó là cơ hội học tập nâng cao kiến thức, thế mạnh vô hình của danh tiếng bác sĩ làm ở truyến huyện không bằng tuyến tỉnh và truyến trên nữa, các điều kiện kinh tế xã hội vùng xa tỉnh lỵ, xa thành phố không thuận lợi để gia đình trụ lại và phát triển...
2. Về hoạt động khám chữa bệnh
Khám chữa bệnh tại phòng khám (khám bệnh và điều trị ngoại trú): Trung bình phòng khám bệnh viện huyện khám 1 ngày từ 300 đến 500 bệnh nhân với từ 2 – 3 bác sĩ (khám nội tổng quát) và khoảng 5 y sĩ (khám chuyên khoa lẻ: RHM, TMH, mắt, sản nhi, đông y...). Có ít nhất 2 bác sĩ cơ hữu của khoa khám bệnh, ngoài ra BV còn điều động các bác sĩ khoa khác thay phiên nhau làm công tác khám bệnh, nhất là giờ cao điểm thường vào buổi sáng. Bệnh nhân được phân vào phòng khám nào (nội, nhi, TMH, RHM, mắt...) là do bộ phận tiếp nhận hỏi vài triệu chứng rồi chỉ dẫn.
Điều trị nội trú: Tại thời điểm đến thăm một số bệnh viện huyện (mỗi tỉnh chúng tôi đến thăm 2 bệnh viện vào giờ hành chính buổi chiều), các gường bệnh nội trú của khoa nội nhi có bệnh nhân hầu như kín chỗ, không có nằm ghép, cũng chỉ có 1 vài giường trống. Tuy nhiên tại các khoa ngoại, sản, nhiễm, liên chuyên khoa thì đa phần vắng bóng bệnh nhân. Giải thích tình trạng này, đại diện bệnh viện cho rằng do các bệnh nhân không muốn nằm hẳn trong BV mà chỉ muốn đến khám sáng và chiều 2 lần rồi về. Các bệnh nhân này tuy có chỉ định nằm viện nhưng đa số nhà gần với bệnh viện nên họ thích được về nhà tự chăm sóc cho thuận tiện hơn. Theo báo cáo thì công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện này đạt từ 82 – 90%. Bệnh viện nào trước đó có công suất cao (> 90% đến hơn 100%) thì đã đề nghị được tăng chỉ tiêu giường kế hoạch và được chấp nhận ở năm sau, cũng đồng nghĩa với được tăng biên chế và ngân sách cho đầu giường bệnh thêm vào. Có bệnh viện tỷ lệ sử dụng giường quá thấp (khoảng 50%) thường sẽ rút lại số giường thực kê để thu gọn công tác quản lý và công suất cuối cùng đạt trên 80% (so với giường thực kê).
Tuy điều trị nội trú ở mức vừa phải hoặc thưa vắng, nhưng bệnh viện nào cũng có quá tải ở khâu khám bệnh. Đây cũng còn do mức thu phí khám bệnh theo quy định hiện hành là rất thấp: 2000đ/lượt khám, người dân còn đang hưởng lợi từ mức này và khám chữa ngoại trú rất thuận tiện tại địa phương. Vì vậy mà mỗi BS khám từ 70 - 150 bệnh nhân 1 ngày nhưng thu nhập tăng thêm trung bình chỉ đạt 500.000đ – 1.700.000đ. Tuy nhiên mỗi địa phương có chính sách riêng để hỗ trợ thu nhập cho y bác sĩ từ ngân sách địa phương khá tốt, nhờ đó mà bác sĩ mới về có thể đạt mức thu nhập từ 5.000.000đ/tháng trở lên cộng thêm các ưu tiên khác.
Cấp cứu – Chống độc: Khoa cấp cứu – chống độc có khoảng 2 – 4 bệnh nhân tại thời điểm tới thăm. Tại khoa thường có 1 BS cơ hữu, việc trực cấp cứu 24h có các bác sĩ các khoa khác (ngoại sản) được điều động để thay ca. Các bệnh viện huyện đạt mức phân loại hạng 3, tuy nhiên trang thiết bị phòng cấp cứu còn sơ sài, có nơi chưa triển khai phòng mổ, thiếu máy giúp thở nên không thể lưu bệnh lâu để giải quyết điều trị mà đa số chỉ sơ cứu rồi chuyển lên tuyến trên. Mặt khác, cự ly giữa các huyện và bệnh viện tỉnh, bệnh viện đa khoa khu vực (thuộc tuyến tỉnh) khá gần (<30km) nên xu hướng bệnh nhân đi thẳng lên tuyến trên để cấp cứu.
Tình huống dịch bệnh: Khu vực bệnh nhiễm chung khoa với nội và nhi (khoa nội nhi nhiễm), khi có bệnh dịch gia tăng (tay chân miệng) có bệnh viện cơi nới tăng cường ra khu vực hành lang. Đó là những bệnh viện cũ, chật hẹp đang chờ xây mới; bệnh viện huyện nào mới xây xong hoặc đang trong dự án thì đều để bệnh nhiễm riêng 1 khu (1 tầng lầu). Tại thời điểm tới thăm thì khu vực bệnh nhiễm vắng vẻ vì đang không có dịch bệnh nào đáng chú ý tại địa phương. Tuy nhiên, với 1 số bệnh nhiễm đang được dư luận quan tâm hiện nay như bệnh tay chân miệng, bệnh sốt xuất huyết ... khả năng diễn biến bệnh nhanh, tại tuyến huyện lại không có phương tiện điều trị đặc hiệu nên được chuyển lên tuyến trên nhanh chóng (độ 2 với bệnh tay chân miệng và độ 3 với bệnh sốt xuất huyết).
Bảo hiểm y tế: Theo nhận định của các bệnh viện, tỷ lệ sử dụng bảo hiểm y tế để khám và điều trị nội trú rất khác nhau, ước tính tỷ lệ này từ 20 – 70%, khu vực huyện nghèo có tỷ lệ dùng bảo hiểm cao hơn rất nhiều so với khu thị xã, thành phố thuộc tỉnh do người dân diện nghèo được cấp thẻ BHYT miễn phí và tỷ lệ đồng chi trả là thấp nhất (5%) so với các đối tượng khác (20%).
3. Về thực hiện danh mục kỹ thuật y tế theo phân cấp
Các bệnh viện huyện được xếp hạng 3 tương xứng với chức năng nhiệm vụ và năng lực hiện có. Tuy vậy, số lượng kỹ thuật y tế theo phân cấp thực hiện tại đây khá khiêm tốn, có nơi chỉ đạt 31%, phổ biến ở mức từ 40 – 50%. Các lý do được nêu ra là thiếu đầu tư trang thiết bị, nếu đủ trang thiết bị thì năng lực nhân viên ở đây có thể triển khai được, cũng vì thiếu phương tiện chuyên môn nên cán bộ xin nghỉ, xin chuyển đi, kỹ thuật không triển khai được thì không có bệnh nhân (khách hàng) và đánh giá nhu cầu về bề nổi là ít nên càng không được đầu tư. Như vậy dễ hiểu là tại sao tỷ lệ thực hiện danh mục kỹ thuật lại thấp, bệnh viện không thể đáp ứng nhu cầu thực sự của người dân trên địa bàn và người bị bệnh lại tiếp tục đi lên tuyến trên.
4. Về đào tạo chuyên môn, đào tạo quản lý y tế và nghiên cứu khoa học
Việc chuyển giao, hỗ trợ kỹ thuật: Bệnh viện huyện là nơi tiếp nhận chỉ đạo tuyến về chuyên môn của bệnh viện tỉnh và bệnh viện đa khoa khu vực, là nơi chỉ đạo tuyến và hỗ trợ chuyên môn cho trạm y tế xã phường. Các chức năng này hiện đang được tích cực thực hiện một các bài bản hơn theo đề án 1816 của Bộ tại tất cả các tuyến trong đó có bệnh viện huyện. Tại một số bệnh viện huyện, bác sĩ ở trạm y tế còn tăng cường cho bệnh viện ở khâu khám bệnh, vừa để học hỏi chuyên môn, vừa để bù đắp thiếu hụt nhân sự cho tuyến huyện.
Gửi đi đào tạo: Các bệnh viện đều tạo điều kiện để cán bộ y tế được học nâng cao học vị và bổ túc chuyên môn cần thiết. Y sĩ, dược sĩ trung học được tham dự thi để học lên bác sĩ, dược sĩ đại học, bác sĩ được học lên sau đại học, y sĩ hoặc bác sĩ cũng được học các khóa ngắn hạn về chuyên khoa phụ trách như vật lý trị liệu, tai mũi họng, cấp cứu, sản khoa...
Đào tạo quản lý y tế: Cán bộ quản lý được học lớp quản lý bệnh viện, chuyên khoa I, II về y tế công cộng hoặc tổ chức quản lý y tế của viện, trường đại học hoặc do địa phương (cấp tỉnh) tổ chức.
Nghiên cứu khoa học: Một số bệnh viện đều đặn làm đề tài cấp cơ sở hàng năm nhưng nhìn chung công tác này còn yếu.
5. Kết hợp điều trị và dự phòng bệnh tật
Đối với các bệnh viện là một bộ phận của trung tâm y tế thì có sự kết hợp chủ yếu là điều động tăng cường nhân lực giữa 2 bên, khi có dịch bệnh, bộ phận điều trị cũng có thể tham gia ở cộng đồng và ngược lại y bác sĩ của dự phòng có thể tham gia khám bệnh.
Các giải pháp đã thực hiện
- Thu hút nhân lực y tế: Địa phương khuyến khích bác sĩ về làm việc với các mức hỗ trợ khác nhau: hỗ trợ khi mới về từ 60 – 170 triệu đồng, tạo điều kiện công việc cho vợ hoặc chồng đi theo.
- Đảm bảo ổn định thu nhập: Đối với bác sĩ đang làm việc thì được hỗ trợ từ ngân sách địa phương một khoản nhất định vào lương hàng tháng ngoài mức lương và thu nhập tăng thêm. Mức bồi dưỡng tiền trực cũng có địa phương trả hỗ trợ thêm 3 lần so với quy định (đạt 40.000đ/đêm trực), Tổng thu nhập tại bệnh viện huyện của bác sĩ nhìn chung không thấp (trên 5 triệu đồng) cộng với rất nhiều ưu đãi, tuy nhiên vẫn có những lý do khác không giữ chân được bác sĩ như đã nhắc đến ở trên.
- Tạo điều kiện nâng cao trình độ, bổ sung và cập nhật kiến thức chuyên môn luôn được các bệnh viện quan tâm thực hiện như trên.
- Đào tạo nhân lực theo địa chỉ đang hưởng ứng tốt. Học sinh phổ thông thi vào các trường đại học Y dược đạt điểm ngoài ngân sách sẽ được UBND tỉnh tài trợ học phí nhưng học sinh phải cam kết sau ra trường trở về làm việc tại địa phương. Hình thức này đã được 2 năm, như vậy sau 4 năm nữa đã có những bác sĩ chính quy ra trường và được nhận mới theo cách này. Một số tỉnh làm riêng một đề án phát triển nhân lực y tế để được sự tiếp sức của chính quyền qua từng giai đoạn như Long An, Tiền Giang, Bến Tre.
- Các bệnh viện huyện đang trong dự án đầu tư xây mới và nâng cấp trang thiết bị sử dụng nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ và vốn đối ứng của ngân sách địa phương (giai đoạn 2008 – 2010). Hiện một số đã xây mới xong, một số đang xây dựng ngay trong khuôn viên cũ hoặc ở một địa điểm mới. Các bệnh viện huyện trong thiết kế mới đều có quy mô giường bệnh lớn gấp hơn hai lần hiện nay. Tuy nhiên chỉ tiêu giường kế hoạch không tăng gấp đôi ngay mà sẽ được giao thêm hàng năm tương ứng với phát triển nhân lực và mua sắm trang thiết bị cũng như nhu cầu khám chữa bệnh và sự gia tăng dân số. Ví dụ 1 bệnh viện mới xây xong có thiết kế cho 250 giường bệnh, nhưng chỉ tiêu hiện được giao là 100 và sang năm sau có thể tăng thêm thành 110 giường kế hoạch.
Các giải pháp được cơ sở đề nghị
- Nhà nước nên có chính sách điều động bác sĩ làm nghĩa vụ tại tuyến cơ sở. Chính sách và điều kiện làm việc tốt sẽ giữ chân nhân viên y tế hơn là sự cam kết.
- Bác sĩ về tuyến xã là mục tiêu của ngành y tế nhưng nếu địa phương đang thiếu bác sĩ thì tập trung bác sĩ làm việc ở phòng khám khu vực (trực thuộc bệnh viện huyện) thì hơn, khi đó phòng khám có lực lượng toàn diện hơn để khám nhiều mặt bệnh. Còn như hiện tại, bác sĩ về xã thì đủ chỉ tiêu nhưng ở tuyến huyện lại thiếu và yếu.
BS.Nguyễn Bích Hà (Khoa Quản lý Sức khỏe)