Người ta thường ví những sự nhỏ mọn không đâu, mà gây ra phiền não cho mình. Nếu ai cúng biết thản nhiên đối với sự vật, bình tâm mà xét thì sẽ thấy trăm việc đến cho mình, 90 việc không đáng bận lòng chút nào.
Người ta ở đời, đối với người mà gặp phải kẻ dữ với mình một cách ngang ngược, thì nên coi như mình đi trong bụi rậm, vướng phải gai, chỉ nên thong thả đứng lại gỡ dần ra thôi. Gai góc kia có biết gì mà đáng giận? Xử được như thế, thì tâm mình không phiền não mà bao nhiêu nỗi oán hận cũng tiêu tan.
Ở đời, hễ có sanh thì có tử, có lợi tất có hại, có nên tất có hư. Muốn có lợi mà không có hại, có nên mà không có hư, có sanh mà không có tử là người hết sức mê loạn.
Làm mà như không làm, lo lắng mà như không lo lắng, lớn nhỏ nhiều ít đều xem như nhau, khen không mừng, chê không giận, đó là hạnh của kẻ thánh nhân.
Nhịn điều người ta không thể nhịn được, dung điều người ta không thể dung được, chỉ có người kiến thức và độ lượng hơn người mới được như thế.

Trời có thời, đất có của, cùng hưởng với người là Nhân. Cưú giúp và tha thứ cho người là Đức. Cùng lo, cùng vui là Nghĩa. Làm cho người được lợi là Đạo. Đạo là đường lối. Đức là cái người ta được nơi mình. Nhân là cái người ta ưa gần. Nghĩa là cái người ta nên làm. Lễ là thể thức hành động. Lấy Nhân làm gốc, dùng điều Nghĩa để sửa trị đó gọi là chính pháp.
Việc lớn bắt đầu từ chỗ khó, việc nhỏ bắt đầu từ chỗ dễ. Cho nên muốn tính điều lợi ắt phải lo điều hại, muốn tính việc thành ắt phải lo việc bại. Mưu đồ được việc khó ở trong việc dễ, làm được việc lớn ở trong việc nhỏ.
Còn hay không còn ở chỗ biết lo mất.
Vui hay không vui ở chỗ biết lo họa.
Hoạ phúc là ở mình.
Biết trước là sẽ thắng lợi mà mọi người cùng biết thế thì chẳng có gì là giỏi.
Chiến thắng mà mọi người cho là giỏi cũng chưa hẳn thực giỏi
Cho nên :
Giơ cao tơ trời mùa thu chưa hẳn là quá mạnh
Nhìn thấy được mặt trăng, mặt trời chưa hẳn là sáng mắt
Nghe được sấm sét chưa hẳn là thính tai.
Đạo hay ở chỗ không thể thấy, sự hay ở chỗ không thể nghe, thắng hay ở chỗ không thể biết