TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN KIM THÀNH

Bệnh viện đa khoa Kim Thành

Trang chủHome | Sitemap | Hỏi đáp Tiếng Việt Tiếng Anh

Cấp cứu 24/7

02203.720.115

Đường dây nóng

0912.272.164

  • 20906_10577_130307071514_5l

Nguy cơ từ văn hóa đổ lỗi

 
Nhiều người có xu hướng đổ lỗi cho người khác mỗi khi một việc không tốt xảy ra. Thói quen này rất phổ biến và cũng vì nhiều lý do mà rất nhiều người trong chúng ta luôn đổ lỗi cho người khác.

Điển hình nhất là vì muốn che dấu cảm giác bất lực của mình, không muốn thừa nhận là mình không thể kiểm soát được tình hình, và chính vì không thể làm được gì nên cách duy nhất là đổ lỗi cho người khác. Bằng cách này, họ tự giả định rằng người kia có lỗi và bản thân họ cảm thấy kiểm soát vấn đề một cách tốt hơn. Vậy chúng ta nên làm gì để đối phó với những vấn đề này? Và nếu bạn có thói quen “đổ lỗi cho người khác” thì nên làm sao đây? 


 
 
 

Chúng ta đổ lỗi cho người khác vì những lý do sau đây
 
Mất kiểm soát : Một số người hoảng loạn khi họ bị mất kiểm soát tình hình và vì vậy họ cố gắng đổ lỗi những người khác để có thể cảm thấy “có kiểm soát”. Và có thể đằng sau những hành động đổ lỗi cho người khác lại chính là sự tồn tại của nỗi sợ hãi.
 
Kiểm soát người khác : Một số người cố gắng để kiểm soát người khác bằng cách đổ lỗi cho họ và làm cho họ cảm thấy rằng họ là xấu . Nếu một người nào đó rất muốn bạn làm điều gì đó anh ta có thể đổ lỗi cho bạn để thay đổi cách ứng xử của bạn. Họ sẽ trách móc bạn, cho rằng bạn ích kỷ , kiêu ngạo hoặc hợm hĩnh. Và đổ lỗi là một trong những phương pháp phổ biến để kiểm soát người khác.
 
Học từ cha mẹ : Một số cha mẹ đã không dạy cho con cái của họ cách để chịu trách nhiệm về hành động của mình. Vì vậy họ dần lớn lên và đổ lỗi cho người khác mỗi khi  có xấu xảy ra .
 
 
 
Chối bỏ trách nhiệm : Một số người có thể không thừa nhận thất bại và những sai lầm nên họ đổ lỗi cho những người khác để thoát khỏi trách nhiệm . Một ví dụ phổ biến là nói ” tôi đi làm muộn vì tắc đường ” thay vì thừa nhận rằng bạn nên bị trừ lương.
 
Không thể chấp nhận những gì đã xảy ra: mọi người đổ lỗi cho người khác khi họ không thể chấp nhận chuyện gì đó đã xảy ra .
 
Trong một số trường hợp, việc đổ lỗi cho những người khác sẽ là đúng nếu như họ thực sự có trách nhiệm; và bạn có thể giúp họ tránh được những sai lầm tương tự trong tương lai. Nhưng đặc biệt, bạn cũng nên học cách chịu trách nhiệm về hành động của mình để có thề hình thành thói quen kiểm soát cuộc sống của chính mình, tránh việc đổ lỗi cho người khác.

Nguy cơ đến từ văn hóa đổ lỗi


Mỗi lần thấy ai đó "đánh chừa cái đất", "đánh chừa cái ghế", ... vì tội "làm đau" một đứa trẻ, tôi lại thấy muốn lắc đầu ngao ngán và lo ngại. Mặc dù những cử chỉ đó dường như thật quen thuộc trong xã hội ta, phải chăng hay chắc chắn rằng nó chính là một trong những mầm mống đầu tiên nuôi dưỡng cái gọi là "Văn hóa đổ lỗi"?
Nếu quan sát xung quanh, và đôi khi nhìn lại chính mình, có thể chúng ta sẽ nhận ra cái mà tôi đang gọi là văn hóa đổ lỗi. Văn hóa đó, thật đơn giản và dễ nhận diện, biểu hiện ở chỗ mỗi khi gặp một tai nạn, một rủi ro, một thất bại trong cuộc sống, người ta rất nhanh tìm được một nguyên nhân khách quan nào đó để biện minh cho sự việc. Nguyên nhân đó có thể là do người khác gây ra, ai đó hãm hại, ai đó vô tình cản trở hay là những bất trắc của ngoại cảnh như thời tiết, tình hình giao thông, trục trặc hệ thống điện, .v.v... , tóm lại dù nguyên nhân là gì thì đều không phải lỗi của chủ thể.
 
Không phủ nhận rằng kết quả của mỗi hành động và sự việc không chỉ phụ thuộc vào bản thân người thực hiện/chủ thể mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan. Công việc của tôi có thể thất bại nếu có kẻ âm thầm phá hoại, cuộc hẹn của tôi có thể bị trễ nếu gặp tắc đường ngoài dự tính, ... Tuy nhiên điều đáng nói là tôi có tự nhận thức được trách nhiệm của bản thân hay không. Tôi là người có văn hóa đổ lỗi nếu như tôi luôn sẵn sàng tìm cho chính mình một lời giải thích để kết luận, dù chỉ với chính mình rằng "mình chẳng có lỗi gì cả". 
 
Văn hóa đổ lỗi này dẫn tới nhiều hệ quả 
Thứ nhất, nó gây ra những mâu thuẫn xã hội: người ta luôn tìm cách đổ lỗi cho nhau: cộng tác thất bại thì hai bên đổ lỗi cho bên kia kém cỏi, học hành không thành thì trò đổ tại thầy dốt còn thầy thì đổ cho trò ngu, sếp chê nhân viên chuyên môn kém, nhân viên chê sếp quản lý kém, ...
 
Thứ hai, nó làm giảm rất đáng kể khả năng tự hoàn thiện của con người. Khi người ta không muốn tin rằng mình đã sai lầm, hay ít ra mình cần chịu trách nhiệm thì đồng nghĩa sẽ không có rút kinh nghiệm, không có tự hoàn thiện từ kiến thức cho đến cách tư duy, cách làm việc, ... Nguy hại hơn nữa, tư tưởng này cũng góp một phần đáng kể để làm nên phong cách làm việc "cha chung không ai khóc". Anh nào cũng nghĩ: "việc của chung, mình không làm sẽ có người khác làm thay. Nếu tất cả không làm thì càng không ai trách được mình".
 
Như vậy, khi văn hóa đổ lỗi càng tràn lan thì càng có ít sự hợp tác, ít sự nỗ lực từ mỗi cá nhân. Nó làm chậm lại quá trình tiến bộ của xã hội, nó phá hủy dần từng con người từ nhân cách tới trí tuệ.
 
Thứ văn hóa này từ đâu mà ra?
Xin quay lại với câu chuyện nho nhỏ mà tôi nêu ra ở phần đầu của bài viết về một cách dỗ trẻ ở nhiều gia đình Việt Nam. Một hành động thật nhỏ và thân quen, tưởng như vô hại, nhưng thực tế lại gieo rắc vào nhân cách của trẻ nhỏ một thói quen hết sức đáng sợ, đó là sự đổ lỗi.
 
Người ta vẫn thường nói rằng tâm hồn của trẻ thơ như một tờ giấy trắng, bởi nó khác với tâm hồn người lớn ở chỗ những nét vẽ đầu tiên trên đó sẽ không bao giờ xóa sạch hoàn toàn được. Khi mới ra đời, đứa trẻ không phân biệt được đâu là cái đúng và đâu là cái sai, điều đó ai cũng biết. Nếu người ta dạy cho đứa trẻ những điều hay, điều tốt và biến những điều đó thành thói quen hành động của đứa trẻ, khi lớn lên đứa trẻ đó sẽ là một người tốt. Ngược lại, nếu người ta hàng ngày dạy cho đứa trẻ rằng ăn trộm, nói dối, ... là những điều tốt hay những điều hoàn toàn bình thường, những thứ đó sẽ thành thói quen và đứa trẻ và lớn lên nó sẽ trở thành kẻ xấu mà vẫn cứ tin rằng những việc mình làm là bình thường.
 
Trở lại câu chuyện nêu trên: Một đứa trẻ nhỏ không phân biệt được việc nó bị ngã, bị đau là vì đâu. Việc "đánh chừa" một cái gì đó, lặp đi lặp lại cung cấp cho nó một tiềm thức rằng: nếu nó vấp ngã, đó là lỗi của một yếu tố tác động nào đó, không phải do nó vô ý hay không nghe lời.
 
Nhiều người ngụy biện rằng việc làm đó là một cách tốt nhất để dỗ trẻ nhỏ đang khóc vì bị đau, cho rằng những lời nói đó sẽ xoa dịu tâm lý hờn dỗi của đứa trẻ. Đó là một nhầm lẫn lớn, và về cơ bản là nó mâu thuẫn một cách rõ ràng về mặt logic. Khi còn rất nhỏ, còn chưa cả được trang bị bởi bất cứ khái niệm ngôn ngữ nào, một đứa trẻ còn thậm chí chẳng hiểu thế nào gọi là "đánh chừa", mà chính những người lớn đã mang những khái niệm đó tới với đứa trẻ. Một đứa trẻ ngừng khóc sớm là vì hoặc nó đã hết đau, hoặc nó thấy người ta cười với nó, vỗ về nó. Nhưng nếu trước khi làm những điều đó người ta còn phải đổ lỗi cho một cái gì đó nữa thì đứa trẻ dần sẽ hình thành thói quen luôn đòi được xem hành động đó trước khi quyết định xem có nín khóc hay không. Khi cái chuỗi "đòi hỏi-đáp ứng-đòi hỏi-..." đó lặp đi lặp lại, nó trở thành một tiềm thức mới, một dạng phản xạ có điều kiện hay nói dễ hiểu hơn là một thói quen cố hữu rất khó thay đổi hoặc xóa bỏ. Tất nhiên, đây chỉ là một ví dụ tiêu biểu nhất trong cách giáo dục trẻ nhỏ. Thói quen đổ lỗi còn đến từ nhiều hình ảnh, lời nói, sự kiện khác mà đứa trẻ có thể bắt gặp mỗi ngày.
 
 
Cùng với thời gian, thói quen đổ lỗi khiến đứa trẻ luôn cố gắng tìm ra một đối tượng nào đó để trút hết mọi trách nhiệm. Động cơ để thói quen này trỗi dậy nhiều vô kể trong cuộc sống mỗi ngày: điểm kém, đi học muộn, làm hỏng thứ gì đó, ... Những động cơ tương tự tiếp tục theo đuổi khi đứa trẻ lớn dần lên và trưởng thành. Thậm chí chúng ngày càng nhiều hơn, đa dạng hơn, mãnh liệt hơn. Văn hóa đổ lỗi như vậy chính là mầm mống của sự vô trách nhiệm, sự dối trá và tính lười biếng, ích kỉ.
 
Đỉnh điểm của văn hóa đổ lỗi, cần nhấn mạnh rằng không hề nằm ở sự đổ lỗi để tìm kiếm thỏa hiệp với cộng sự hay xã hội, mà ở sự thỏa hiệp với chính bản thân. Tâm lý tự thỏa hiệp này rất phổ biến, chỉ khác nhau ở mức độ. Mức độ càng cao thì càng nguy hiểm. Hãy thử tự nhìn lại mình xem có phải mỗi người trong chúng ta đều đã nhiều hơn một lần tự thỏa hiệp theo kiểu "Hôm nay mưa to nên mình hoãn việc là đúng rồi", "Vụ này thất bại là do tay đồng nghiệp nên mình cần gì phải nghĩ", "Tay hơi đau nên thể dục thể thao gì cũng cứ để tuần sau cũng không sao cả", “Mình đang vội nên vượt đền đỏ là phải thôi”, ... Nếu cứ để những suy nghĩ dạng đó ngày một dày đặc thêm, những thất bại sẽ càng tới nhiều, và tương ứng trở lại là thất bại càng nhiều thì tự thỏa hiệp, tự bao biện với chính mình cũng ngày càng thường xuyên. Vậy là không chỉ vô trách nhiệm với đối tác, tập thể, xã hội mà con người ta đã mất luôn cả trách nhiệm với bản thân. Vậy là không còn vươn lên, không còn sáng tạo, không còn rút kinh nghiệm.
 
Làm sao để loại trừ văn hóa đổ lỗi?
Để làm yếu đi thứ văn hóa đáng sợ này, việc thay đổi cách giáo dục con người từ khi thơ ấu là vô cùng quan trọng. Nhưng không chỉ với thế hệ tương lai mà ngay với hiện tại, chính trong mỗi con người đều cần có ý thức tự hoàn thiện, đẩy lùi thứ văn hóa này. Để loại trừ thói quen đổ lỗi và tự thỏa hiệp, việc đầu tiên theo tôi là mỗi cá nhân cần tự xây dựng cho mình thói quen sống và làm việc có kế hoạch và kỉ luật. Khi tự có kế hoạch và kỉ luật cho bản thân, con người mới có được góc nhìn phù hợp để tự nhìn thấy cái sai, cái khiếm khuyết của mình thay vì luôn tìm thấy một yếu tố ngoại cảnh để trút bỏ trách nhiệm.
 
Tôi nghĩ, tiến bộ không bao giờ đi cùng sự tự thỏa hiệp, và một xã hội tiến bộ thì nhất định phải là một xã hội của những con người không tự thỏa hiệp mà luôn sẵn sàng thay đổi để vươn lên.
Tháng 1 năm 2015
Đặng Vũ Tuấn Sơn
  • « Quay lại


  • Các tin liên quan khác

    Đăng nhập nội bộ

    Phác đồ điều trị

    THÔNG TIN HỮU ÍCH

    Tuyển dụng nhân sự

    Góc tri ân

    Liên hệ gửi câu hỏi

    Mã xác nhận    Captcha
    Nhập mã xác nhận
     

    Video

    Thư viện ảnh

    Thư viện ảnh

    Liên kết website

    HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

    Hỗ trợ trực tuyến

    Hotline : 02203.720.115

    Tư vấn 2
    Tư vấn 1

    Thống kê truy cập