Bài viết này không phải gieo rắc hoang mang cũng không phải là mê tín, những ai tin thì hoàn toàn có thể lý giải được, còn những ai không tin thì cũng có thể xem đây như là một truyền thuyết vậy. Sau khi chết chúng ta sẽ trải qua điều gì, xin hãy xem tiếp …
Dựa vào các nền văn hóa của tôn giáo phương Đông (Phật giáo và Đạo giáo), tương truyền rằng sau khi thọ mệnh người ta kết thúc, sẽ có quỷ sai của âm gian, cũng chính là Hắc Bạch Vô Thường đến dẫn hồn phách người ta xuống Quỷ Môn quan. Sau đó lại được Tứ đại sứ giả của âm gian, cũng chính là Đầu Trâu Mặt Ngựa, dẫn vong linh đến âm tào địa phủ; tiếp đó được thẩm phán của chư vị Đại Phán quan của Thập Điện Diêm La dưới âm gian tiếp nhận. Cuối cùng mới quyết định vong linh là có thể đi vào cõi nào để tiếp tục luân hồi: hoặc là lên trời hưởng phúc lành, hoặc là tiếp tục đầu thai làm người nữa hoặc loại động vật nào đó, hoặc là bị đánh vào mười tám tầng địa ngục như trong truyền thuyết để chịu khổ hình.
Chặng đường đi xuống âm phủ sau khi người ta chết đi
Tương truyền, trong quá trình đi xuống âm phủ sau khi người ta chết đi thì quan ải đầu tiên là qua Quỷ Môn quan, rồi liền phải đi qua một con đường gọi là đường Hoàng Tuyền, hai bên đường nở rộ một loại hoa đẹp, chỉ thấy hoa nở không thấy lá xanh, người cõi dương gian gọi là hoa Bỉ Ngạn (hoa của cõi bên kia).
Con đường này cần phải đi rất lâu rất lâu, đến tận cuối con đường sẽ có một con sông nhỏ gọi là Vong Xuyên Hà. Trên sông có một chiếc cầu đá gọi là cầu Nại Hà, bờ đối diện bên kia của cây cầu có một gò đất gọi là Vọng Hương đài, bên cạnh Vọng Hương đài có một cái đình nhỏ gọi là đình Mạnh Bà. Ở đó có một người tên là Mạnh Bà trông chừng và đưa cho mỗi người qua đường một chén canh Mạnh Bà. Uống canh Mạnh Bà sẽ khiến người ta quên hết tất cả mọi chuyện.
Bên bờ sông Vong Xuyên còn có một tảng đá, gọi là Tam Sinh thạch (đá ba đời), ghi chép lại đời trước, đời này và đời sau của mỗi một người. Đi qua cầu Nại Hà, đứng trên Vọng Hương đài nhìn nhân gian một lần cuối cùng, sau đó mới đi vào cõi âm tào địa phủ.
Ải thứ nhất: Quỷ Môn quan
Người ta sau khi chết đi, trước hết là do quỷ sai nơi âm gian Hắc Bạch Vô Thường dẫn ba hồn bảy phách đi, rồi giao cho quỷ Đầu Trâu Mặt Ngựa đẫn đến Quỷ Môn quan – một quan ải cần phải đi vào cõi âm gian
Ngạn ngữ có câu: “Quỷ Môn quan, mười người đi, chín người không trở về”
Trước Quỷ Môn quan có mười sáu quỷ lớn, truyền thuyết kể rằng Diêm La Vương đã đặc cách chọn ra một nhóm ác quỷ để trấn giữ cửa ải này, họ tra xét vô cùng hà khắc, nghiêm ngặt đối với những vong hồn dã quỷ tội ác đầy mình, bản tính hung ác không đổi; không để cho một ai có thể trà trộn đi qua quan này.
Lúc còn sống bất luận là quan chức quyền quý hay bá tánh bình dân, ai đã đến nơi đây đều cần phải tiếp nhận tra xét, xem xem có mang theo lộ dẫn – giấy thông hành đến quỷ quốc hay không, đây là căn cứ của người sau khi chết đi đến quỷ quốc báo danh.
Lộ dẫn dài 3 thước (90 cm), rộng hai thước (60 cm), được làm bằng giấy mềm màu vàng, mặt trên viết “Lộ dẫn do Phong Đô Thiên Vũ Diêm La Đại Đế phát cho và con người khắp thiên hạ, cần phải đi qua đường này, mới có thể đến địa phủ chuyển thế thăng thiên”.
Đồng thời, trên mặt lộ dẫn có đóng ba dấu ấn của “thành hoàng âm ty, phủ huyện Phong Đô”. Phàm là người sau khi chết đưa vào quan tài hoặc trong lúc hỏa táng đốt bỏ, nó sẽ theo linh hồn đến địa phủ.
Ải thứ hai: Đường Hoàng Tuyền
Qua khỏi Quỷ Môn quan, tiếp đó chính là phải đi qua một con đường Hoàng Tuyền dài đằng đẵng. Hồn phách của người ta đến âm gian báo danh sẽ phải đi một đoạn đường rất dài, qua rất nhiều quan, vì vậy đường Hoàng Tuyền (Suối Vàng) là tên gọi chung đối với những quan và lộ trình này.
Trên đường Hoàng Tuyền có hoa Bỉ Ngạn màu đỏ, từ xa mà nhìn thì giống như là tấm thảm máu trải dài, vì loài hoa này có màu đỏ như lửa nên được ví là “đường lửa chiếu rọi”. Cũng bởi nó là cảnh vật và màu sắc duy nhất trên con đường Hoàng Tuyền dài đằng đẵng này, nên mọi người cứ đi theo hoa này mà thông đến địa ngục của cõi u minh.
Dương thọ của con người đến rồi thì sẽ chết, đây là cái chết bình thường; người chết bình thường trước hết cần phải đi qua Quỷ Môn quan, hồn phách của người ta đi qua quan này rồi liền sẽ biến thành quỷ. Ngoài ra, trên đường Hoàng Tuyền còn có rất nhiều cô hồn dã quỷ, họ là những người dương thọ chưa hết mà chết bất đắc kỳ tử; họ đã không thể lên trời, cũng không thể đầu thai, càng không thể đến âm gian, chỉ có thể lang thang trên đường Hoàng Tuyền, đợi đến dương thọ kết thúc rồi mới có thể đến âm gian báo danh, nghe Diêm La Vương phán xét.
Ải thứ ba: Tam Sinh thạch
Bên cạnh cầu Nại Hà có tảng đá xanh tên Tam Sinh thạch (đá ba đời), chữ trên đá đỏ như máu, mặt trên có khắc bốn chữ lớn “Tảo Đăng Bỉ Ngạn” (sớm đến bờ bên kia). Nghe nói rằng, tảng đá này ghi chép lại đời trước, đời nay và đời sau của mỗi một người. Nhân của đời trước, quả của kiếp này, duyên khởi duyên diệt, đều chất chồng mà khắc trên tảng đá ba đời.
Trăm nghìn năm nay, nó đã chứng kiến sầu khổ và mừng vui, bi ai và hạnh phúc, nụ cười và nước mắt, cho đến hết thảy những món nợ và những tình cảm phải trả của tầng tầng lớp lớp chúng sinh; Đứng trước tảng đá ba đời này là thấu tỏ hết.
Ải thứ tư: Vọng Hương đài
Trên Vọng Hương đài quỷ hốt hoảng, mắt mở trừng trừng lệ hai hàng. Vợ con già trẻ tựa bên hòm, bạn bè thân quyến trước linh đường
Vọng Hương đài, cũng chính là Thổ Cao đài, nơi có đình Mạnh Bà, là ở phía trước cây cầu, chứ không phải ở phía sau cây cầu.
Vọng Hương đàì lại gọi là “Tư Hương lĩnh” (đồi nhớ quê).
Ở nơi này, có thể lên đài nhìn về ngôi nhà nơi dương thế, vậy nên nơi đây đã trở thành cửa sổ nhìn về dương gian của quỷ hồn và Thánh địa, là nơi liên lạc tình cảm giữa người sống và người chết.
Truyền thuyết kể rằng, con người ta sau khi chết rồi, “ngày đầu tiền không ăn cơm nơi cõi người, ngày thứ hai liền qua âm dương giới, ngày thứ ba đến Vọng Hương đài, nhìn thấy người thân đang khóc lóc thảm thiết”.
Quỷ hồn đến trước địa phủ báo cáo, rất nhớ mong người thân nơi dương thế. Dù cho quỷ tốt giận dữ quát mắng, vẫn nhất quyết muốn lên Vọng Hương đài nhìn về quê nhà, khóc lớn một trận mới hết hy vọng và đi đến “Âm tào địa phủ”.
Theo truyền thuyết, Vọng Hương đài là nơi mà vong hồn nhìn về dương thế tạm biệt người thân một lần cuối cùng. Lại có truyền thuyết rằng, kiến tạo của Vọng Hương đài nơi âm gian rất kỳ lạ, trên rộng dưới hẹp, mặt như cánh cung, lưng như dây cung ngang nhau, ngoài một con đường đá rất nhỏ ra, còn lại đều là núi đao rừng kiếm, hiểm trở vô cùng. Đứng ở trên đó, năm châu bốn biển đều có thể nhìn thấy.
Ải thứ năm: Vong Xuyên hà
Vong Xuyên hà còn gọi “Tam Đồ hà”, chắn ngang giữa đường Hoàng Tuyền và âm phủ. Nước sông có màu đỏ như máu, bên trong hết thảy đều là cô hồn dã quỷ không được đầu thai, trùng rắn khắp nơi, những trận gió tanh hôi tạt thẳng vào mặt.
Đương nhiên, vì để kiếp sau có thể gặp lại người mình yêu thương nhất trong kiếp này, bạn có thể không uống canh Mạnh Bà, vậy cần phải nhảy vào Vong Xuyên hà, đợi trên nghìn năm mới có thể đầu thai.
Trong nghìn năm đó, hoặc có lẽ sẽ nhìn thấy người mà mình yêu thương nhất trong kiếp này đi trên đầu, nhưng không thể nói chuyện với nhau, bạn thấy họ, nhưng họ lại không thấy bạn. Trong nghìn năm đó, bạn nhìn thấy họ hết lần này lại đến lần khác đi qua cầu Nại Hà, uống canh Mạnh Bà hết chén này lại chén khác, tuy mong họ không uống canh Mạnh Bà nhưng lại sợ rằng họ chịu không nổi cái khổ dày vò nghìn năm trong Vong Xuyên Hà này.
Sau nghìn năm, nếu như lòng nhớ nhung của bạn không hề giảm đi, còn có thể nhớ được chuyện của đời trước, vậy thì có thể trở lại nhân gian, tìm kiếm người mà bạn yêu nhất trong đời trước.
Ải thứ sáu: Canh Mạnh Bà
Canh Mạnh Bà còn gọi là Vong Tình Thủy hoặc Vong Ưu Tán, hễ uống vào liền quên hết mọi chuyện của đời này lẫn đời trước. Mạnh Bà phân phát canh Mạnh Bà ở đầu cầu Nại Hà, chứ không phải ở trên cầu.
Mỗi một người đều phải đi qua cầu Nại Hà, Mạnh Bà đều sẽ hỏi có uống canh Mạnh Bà không, nếu muốn qua cầu Nại Hà, thì cần phải uống canh Mạnh Bà. Còn không uống canh Mạnh Bà, thì không qua được cầu Nại Hà, không qua được cầu Nại Hà, thì không được đầu thai chuyển sinh.
Mỗi một người trong dương gian đều có một cái chén của mình ở tại nơi này, canh Mạnh Bà trong chén, thật ra chính là nước mắt chảy suốt một đời của bản thân người ta khi còn sống. Mỗi một người khi còn sống, đều sẽ chảy nước mắt: hoặc vui, hoặc buồn, hoặc đau khổ, hoặc căm hận, hoặc sầu não, hoặc yêu thương …
Mạnh Bà thu giữ từng giọt từng giọt nước mắt của họ lại, đun nấu thành canh, khi họ rời khỏi nhân gian, đi đến đầu cầu Nại Hà, sẽ cho họ uống vào, quên hết yêu hận tình thù khi còn sống, kiền tịnh sạch sẽ, bắt đầu tiến nhập vào Lục đạo, hoặc là Tiên, hoặc là người, hoặc là súc sinh, v.v…
Không phải mỗi người đều sẽ can tâm tình nguyện uống canh Mạnh Bà. Bởi vì một đời này, sẽ luôn có người từng yêu không muốn quên đi. Mạnh Bà sẽ nói với họ: “Nước mắt cậu rơi vì người ấy đều đã nấu thành chén canh này, uống nó rồi, chính là uống vào tình yêu cậu dành cho người đó vậy”. Một ký ức được xóa đi sau cùng trong mắt người ta chính là người mà họ yêu nhất trong đời này, uống canh vào, hình bóng người trong mắt dần dần phai nhạt đi, con mắt trong sáng như đứa trẻ sơ sinh.
Uống canh Mạnh Bà rồi, có thể quên đi hết thảy sầu khổ, buồn vui nơi trần thế, chỉ uống canh thuốc của bà, mối thù trong đời này kiếp này sẽ quên sạch đi, đến thế gian làm một con người hoàn toàn mới.
Những người mong nhớ, những người thống hận, đời sau đều sẽ là người xa lạ; loại canh khiến người ta gặp nhau mà chẳng biết nhau này chính là canh Mạnh Bà.
Ải thứ bảy: Cầu Nại Hà
Đi qua đầu cầu Nại Hà, một đi không ngoảnh đầu nhìn lại
Cây cầu chia thành ba tầng, tầng trên đỏ, tầng giữa màu vàng đen, tầng dưới cùng là màu đen, càng ở tầng thấp thì càng chật, càng hung hiểm vô cùng. Khi sống làm việc thiện thì đi tầng trên, người nửa thiện nửa ác thì đi tầng giữa, những người hành ác thì chính là đi tầng dưới cùng.
Bên dưới cầu là con sông có vô số cô hồn dã quỷ không được đầu thai; những quỷ hồn chết đuối kia đều là ở trên dưới nhịp cầu hoặc trái phải đầu cầu, mong tìm thế thân cho mình, để bản thân có thể đầu thai chuyển thế.
Những người đi tầng dưới sẽ bị quỷ hồn chặn lại, lôi vào trong sóng lớn bẩn thỉu, bị rắn đồng chó sắt cắn xé, chịu đủ thống khổ dày vò không được giải thoát.
Đi qua hết cầu Nại Hà bèn có thể thông đến sáu nơi, tức là đi vào cõi lục đạo luân hồi: cõi người trời, cõi A-tu-la, cõi người, cõi súc sinh (cũng goi là đường bên cạnh), cõi quỷ đói, cõi địa ngục.
Trong đó, người trời, A-tu-la là cõi người thuộc về ba đường trên, còn súc sinh, ác quỷ, địa ngục thì thuộc về ba đường dưới.
Còn đi về cõi nào, là dựa vào nghiệp thiện ác tích được của vong hồn lúc còn sống mà phân loại. Người thiện nghiệp nhiều luôn luôn sẽ được bố trí ba đường trên, những người ác nghiệp nhiều luôn luôn được bố trí ba đường dưới.
Quá trình đi xuống âm gian của người ta sau khi chết vốn không thông dụng với hết thảy mọi người. Những người tu hành làm thiện nếu như công đức đạt đến viên mãn, sau khi hết mệnh sẽ không phải trải qua quá trình âm gian này mà trực tiếp được Phật tiếp dẫn đến thế giới tây phương Cực Lạc; những kẻ đại ác làm nhiều việc gian ác cũng có thể sẽ không trải qua quá trình âm gian này, bởi nghiệp lực dẫn dắt mà sẽ bị đánh thẳng vào địa ngục.
Đây là truyền thuyết lưu truyền hơn hàng nghìn năm nay, tuy khoa học không cách nào chứng thực được, nhưng vẫn mãi ảnh hưởng đến tâm linh của người ta, hết thảy mọi người không khỏi hiếu kì, e sợ …
Còn bạn, bạn có nghĩ rằng tồn tại thế giới sau khi chết không?
Bất luận đáp án của bạn là gì, lựa chọn tốt nhất đều nên là …“Nắm chắc hiện tại, tu hành đúng lúc”, như vậy mới có thể vừa vui vẻ lại an lòng!