Kim Thành tăng cường phòng chống bệnh dại
Từ đầu năm đến nay,Trung tâm y tế huyện Kim Thành đã điều trị dự phòng sau phơi nhiễm bệnh dại cho 68 người, nguồn phơi nhiễm chủ yếu là chó, mèo. Y sĩ Nguyễn Thị Duyên Hà phụ trách tiêm chủng dịch vụ tại Trung tâm y tế cho biết: hàng tháng nhiều người dân đến đây để được tư vấn và tiêm phòng bệnh dại sau khi bị chó, mèo cắn. Điển hình là anh Nguyễn Văn C (xã Liên Hòa) bị chó nhà cắn, sau đó chó chết, anh C cho biết cả gia đinh rất hoang mang nên sáng sớm phải đến phòng tiêm để được tư vấn và tiêm phòng ngay.
Theo chị Hà khi bị chó, mèo cắn vết thương bầm tím, rách da, chảy máu, đầu tiên cần rửa ngay thật kỹ vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước mạnh ít nhất là 5 phút rồi tiến hành sát trùng vết thương bằng dung dịch cồn 70% hoặc dung dịch iode, nhằm làm giảm tối thiểu lượng vi rút xâm nhập nơi vết cắn. Sau đó dùng miếng vải sạch phủ lên vết thương và băng hờ lại. Tránh băng kín vết thương. Trong quá trình sơ cứu, tuyệt đối không để vết thương bị trầy xước, bầm dập. Đặc biệt, không được tùy tiện sử dụng thuốc Nam để điều trị. Sau khi sơ cứu, cần đưa người bị chó (mèo) cắn đến các cơ sở y tế để các bác sĩ khám và có chỉ định điều trị thích hợp. Nếu bị cắn nhiều chỗ hoặc bị cắn ở những vùng gần thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ, vai; vùng gần tủy sống như hậu môn…phải tiêm vaccin phòng dại và huyết thanh kháng dại ngay, bất kể con vật cắn có bị dại hay không. Nếu đến tiêm muộn, hiệu quả phòng bệnh sẽ giảm hoặc không còn tác dụng.
Bệnh dại nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: tiêm phòng cho 100% chó, mèo và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm; đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi bị chó, mèo nghi dại cắn để được tư vấn và tiêm phòng bệnh dại kịp thời. Bích Hằng- Thu Hương
Hotline : 02203.720.115